LƯỢC DỊCH CUỐN SÁCH “DUY TRÌ CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH VỚI NGƯỜI BỊ BỆNH THIẾU MEN G6PD” - CHƯƠNG II
15:33:3604/11/2016Hãy linh hoạt trong việc thay thế các thành phần trong công thức nấu ăn và đừng nghĩ rằng một lượng nhỏ các chất chống chỉ định là không vấn đề gì. Tùy thuộc vào thể trạng mắc bệnh của từng người đôi khi một lượng nhỏ chất chống chỉ định cũng có thể gây tán huyết.
CHƯƠNG II: THAY THẾ CÁC CÔNG THỨC NẤU ĂN
Hình ảnh minh họa
Làm thế nào để có công thức nấu ăn an toàn
Có rất nhiều công thức nấu ăn dễ dàng và an toàn với người bị bệnh Thiếu men G6PD nhưng làm chúng giàu dinh dưỡng hơn cũng rất quan trọng. Điều này có thể được thực hiện thông qua 3 cách:
- Loại bỏ các thành phần độc hại
- Thay thế bằng các thành phần tốt cho sức khỏe hơn
- Bổ sung thêm các thành phần giàu dinh dưỡng
Ví dụ có một công thức để làm bơ thực vật (margarine) sử dụng bơ, dầu dừa, dầu olive hoặc dầu cọ thay thế. Bạn có thể loại bỏ đậu hoặc lạc (đậu phộng) trong hầu hết các công thức nấu ăn, thay thế chúng bằng các loại rau xanh giàu chất dinh dưỡng khác.
Các thực phẩm và phụ gia chống chỉ định
Việc liệt kê danh sách các thực phẩm và phụ gia cần chống chỉ định với người bị bệnh thiếu men G6PD là điều hết sức quan trọng đặc biệt là khi nhiều chất phụ gia có nhiều tên gọi khác nhau hoặc được làm từ các hợp chất cần chống chỉ định. Tuy nhiên chúng tôi chỉ liệt kê những thực phẩm và chất phụ gia phổ biến cần chống chỉ định đang được bày bán và sử dụng hàng ngày.
Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo
Hiện nay rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Mỹ (bao gồm nhiều loại thuốc) có chứa chất tạo màu thực phẩm nhân tạo – là chất cần tránh với những người bị bệnh thiếu men G6PD. Đặc biệt chất tạo thực phẩm màu xanh biển (blue) đã được biết đến là chất gây tán huyết ở người bị bệnh. Một cách an toàn hơn là tránh tất cả những chất tạo màu nhân tạo.
Rất nhiều nhà sản xuất sử dụng chất tạo màu nhân tạo trong các sản phẩm hoa quả mà không ghi chú trên nhãn bao bì bởi chúng chỉ được bổ sung với một lượng nhỏ, tuy nhiên lượng nhỏ này cũng đủ để gây tán huyết ở người bị bệnh.
Hình ảnh minh họa
Thực phẩm chế biến sẵn
Rất khó để liệt kê hết danh sách các thực phẩm này, đồ hộp, bánh mì, mì ống, …đều chứa các chất độc hại. Điều quan trọng là cần đọc nhãn mác tất cả các sản phẩm để kiểm tra xem có chứa các chất chống chỉ định hay không trước khi sử dụng trong chế biến.
Rượu vang: Có 2 vấn đề chính là chúng chứa sulfite (đặc biệt là rượu vang đỏ) và chứa cồn (alcohol). Cả 2 hợp chất này đều gây tán huyết ở người bị bệnh.
Chất bảo quản thực phẩm (sulfites, axit ascorbic)
Qua thời gian có rất nhiều chất bảo quản như sulfite hoặc axit ascorbic được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Những hợp chất này chứng nhận an toàn bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) tuy nhiên chúng không hề an toàn với người bị bệnh thiếu men G6PD vì có thể gây tán huyết.
Lựa chọn tốt nhất là nên sử dụng các sản phẩm hữu cơ bởi chúng thường không chứa chất bảo quản và luôn nhớ kiểm tra thành phần nhãn mác các loại thực phẩm trước khi mua.
Sulfite (không phải Sulfate) được sử dụng rất phổ biến và được báo cáo là gây tán huyết ở nhiều người mắc bệnh. Nó có thể được tìm thấy trong các loại trái cây và rau sấy khô, thịt chế biến sẵn, rượu vang, giấm và ở nhiều nơi được nó được ghi chú đầy đủ cẩn thận trên nhãn mác sản phẩm. Sulfite không được chuyển hóa ở những người mắc bệnh thiếu men G6PD. Tuy nhiên tránh nhầm lẫn giữa sulfite và sulfur – là chất có lợi cho sức khỏe, có sẵn trong hành và tỏi.
Bầu đắng và mướp đắng: Là những loại cây được trồng ở Ấn Độ, Châu Phi, Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á và vùng Caribe. Loại cây này được sử dụng như thực phẩm hàng ngày, trong súp, trà, cà ri và một số món khác. Chúng có thể gây tán huyết ở một số người bị bệnh.
Menthol: Bạc hà từ cây bạc hà tự nhiên thì không gây tán huyết nhưng hợp chất tổng hợp nhân tạo hương bạc hà (menthol) thì có và nên tránh sử dụng. Nếu trên nhãn sản phẩm ghi menthol thì đó là dạng tổng hợp nhân tạo. Nếu trên nhãn sản phẩm ghi là tinh dầu bạc hà thì đó là sản phẩm thu thập từ cây bạc hà và an toàn khi sử dụng.
Mayonnaise, dầu trộn salad và các loại dầu mỡ khác: Mayonnaise được làm từ dầu đậu nành là chất không an toàn với người bị bệnh. Tuy nhiên bạn có thể tự làm mayonnaise một cách đơn giản và an toàn tại nhà. Ngoài ra kem chua, sữa chua có thể được thay thế mayonnaise trong các công thức nấu ăn.
Các loại cây họ đậu
Là loại cây thuộc họ Leguminose, về cơ bản chúng là cây có chứa hạt nằm trong vỏ, hai vỏ có thể tách đôi. Các loại cây họ đậu là thành phần khó có thể thay thế bởi chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn. Nhiều người mắc bệnh thiếu men G6PD có hội chứng “Favism” nghĩa là sẽ bị tán huyết nghiêm trọng khi ăn đậu tằm (fava beans). Với những người mắc hội chứng này việc sử dụng các loại đậu khác cũng gặp nhiều vấn đề.
Danh sách các loại đậu và sản phẩm có chứa chúng rất rộng và mỗi vùng miền đều có những loại đậu riêng được sử dụng như lương thực chính. Đậu tằm hay còn gọi là đậu răng ngựa được coi là lương thực chính ở vùng Ai Cập và Iran. Ở Mỹ loại đậu được sử dụng chính là đậu xanh, đậu phộng, đậu nành, đậu Hà lan, đậu lăng.
Khi tôi (tác giả) bắt đầu tránh sử dụng các loại đậu, tôi đã rất nhiều lần rời khỏi cửa hàng thực phẩm mà không mua được gì bởi vì tôi không thể tìm được sản phẩm tôi cần mà không chứa dầu đậu nành hoặc đậu phộng (cả đậu nành và đậu phộng đều được liệt kê trong danh sách 10 loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất trên thế giới và thật ngạc nhiên là chúng được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm). Tôi dần học cách sử dụng các loại gạo, lúa mạch và ngũ cốc để thay thế cho các loại đậu. Hỗn hợp các loại ngũ cốc là lựa chọn thay thế rất tốt cho sức khỏe.
Bảng dưới đây liệt kê các loại đậu phổ biến và sản phẩm có chứa đậu được sử dụng trên khắp thế giới.
Các loại đậu phổ biến | Một số thực phẩm chứa đậu nành và các loại đậu chống chỉ định |
- Đậu xanh (mung bean) - Đậu đỏ (red bean) - Đậu đen (black bean) - Đậu phộng (lạc – peanut) - Đậu tằm (đậu răng ngựa – fava bean) - Đậu đũa (cowpea) - Đậu cô ve (snap bean) - Đậu lăng (hay còn gọi là thiết đậu - lentils) - Đậu hà lan (pea) - Đậu nành (đậu tương – soy) |
- Bánh nướng - Kẹo - Thịt, cá đóng hộp - Khoai tây chiên - Sữa công thức - Bơ thực vật Margarine - Xúc xích - Nước sốt đóng hộp - Dầu trộn salad - Đậu hũ - Sữa đậu nành |
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh thiếu men G6PD, chăm sóc sức khỏe những người bị bệnh Thiếu men G6PD, Trung tâm Sàng Lọc Sơ Sinh Bionet Việt Nam đã tạo ra nhóm facebook "Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Bệnh thiếu men G6PD - Bionet Việt Nam" . Với hơn 10 năm kinh nghiệm triển khai xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh bệnh Thiếu men G6PD, Bionet hy vọng sẽ mang lại nhiều giá trị về tri thức và nhân văn cho tất cả các thành viên tham gia nhóm thông qua các hoạt động:
+ Cung cấp kho thông tin đầy đủ, chính thống, hữu ích qua nhiều dạng tài liệu trong nước và quốc tế
+ Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị bệnh Thiếu men G6PD và cuộc sống khỏe mạnh thực tế của những người mắc bệnh thiếu men G6PD
+ Hỗ trợ giải đáp những vấn đề liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán, chắm sóc trẻ bị bệnh thiếu men G6PD
+ Tổ chức những hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Thiếu men G6PD
+ Tổ chức các hoạt động thực tế hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh thiếu men G6PD
Click vào đường link: https://www.facebook.com/groups/Bionet.G6PD để tham gia nhóm ngay nhé!
Người dịch: TRUNG TÂM SÀNG LỌC SƠ SINH BIONET VIỆT NAM
Tài liệu mang tính chất tham khảo
Hà Nội, 2016
- TỔNG QUAN XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN GENE BỆNH THIẾU MEN G6PD TẠI BIONET VIỆT NAM (13/05/2022)
- XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN SINH HÓA BỆNH THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (30/03/2022)
- NHỮNG LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG, DÙNG THUỐC CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN CHO CON MẮC BỆNH THIẾU MEN G6PD BÚ MẸ (12/02/2022)
- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRỊ HO CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD - NĂM 2022 (21/01/2022)
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIẢM ĐAU/HẠ SỐT CHO NGƯỜI THIẾU MEN G6PD – CẬP NHẬT NĂM 2022 (20/01/2022)
Lượng truy cập hiện tại: 1
Lượng truy cập trong ngày: 2709
Tổng lượng truy cập: 10501308